19 tháng 10 2020 (BBC)
Lũ đặc biệt lớn trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy – Quảng Bình) vượt mức lũ lịch sử năm 1979. Thêm nhiều người chết, mất tích do lũ.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6 đến hết ngày 18/10 tại các tỉnh miền Trung cướp đi 84 sinh mạng, 38 người mất tích, khoảng 52.933 nhà bị ngập và 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Theo Ủy ban Quốc gia về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vụ sạt lở đất tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) ở Quảng Trị đã vùi lấp 22 chiến sĩ. Tính đến sáng 19/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 16 thi thể.
Nói với BBC News Tiếng Việt sáng 19/10, linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông ở Giáo xứ Nhà Thờ Thuận Nhơn, xã Hải Hưng, Quảng Trị cho biết: “Nước ngâm hơn 10 ngày nay, giờ đã rút được chút nhưng dự báo sẽ lên lại vì mưa lớn và bão số 9 sẽ vào nữa”.
Trận lũ ghi vào lịch sử
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Bình và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã vượt mức báo động 3 rất cao và vượt mức lũ lịch sử năm 1979.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân ở Lệ Thủy đã kêu cứu, chờ đợi lực lượng cứu hộ trong đêm. Một người tên Hiền Trần chia sẻ: “Mấy chục năm chưa hề thấy nước lên nhanh như lần này, và giờ nước còn lên cao nữa. Chỉ mong trời nhanh sáng”.
Theo đó, nhiều nhà dù được xây cao ráo nhưng cũng chìm trong lũ. Có những vùng thấp như Tân Hóa – Quảng Bình đã ngập tận 6 mét. Theo cập nhật của bà Jang Kều, người sáng lập ra dự án Nhà chống lũ, khu vực này các hộ đều có nhà phao nên 100% người dân an toàn về tính mạng.
Nhà báo Dương Phong, trú tại Đồng Hới, Quảng Bình cập nhật: “Lũ vẫn còn lên khủng khiếp. Bất an vì mưa lũ đã xô đổ mọi kỷ lục lịch sử, không chỉ đổ xô vài cm mà cả mét rồi mét rưỡi. Cả đêm tiếng dân kêu giữa trời mưa nước lạnh”.
Trước tình hình đó, Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định hoãn tổ chức đại hội để tập trung cứu hộ cho người dân nơi đây.
Trong đêm 17/10 rạng sáng 18/10, nhiều hộ ở khu vực Đông Hà, Quảng Trị cũng bị ngập nặng và cô lập. Người dân đã lên mạng kêu cứu trong vô vọng. Nhiều gia đình có trẻ con, người già và người bệnh bị mắc kẹt, không có xuồng hay cano trong tình trạng nước vẫn tiếp tục lên cao.
Trao đổi với BBC sáng 19/10, linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông nói: “Ngoài đường hiện ngập sâu khoảng 1 mét, nhà dân chung quanh đều mất điện. Muốn đi đâu, đón ai phải đi bằng ghe. Hiện chỉ có thể so sánh trận lụt này với năm 1999 thôi. Năm 1999, nước lên nhanh, bất ngờ, bà con lại chưa có phương tiện truyền thông nên không ai chuẩn bị trước. Bây giờ có Facebook nên mọi người cập nhật tin nhanh để phòng”.
“Năm nay nước thấp hơn năm 1999 một tí nhưng lại kéo dài ngày hơn. Hiện tại trong cơn lụt nên bà con gắng sức để chống chọi. Sau lụt chắc chắn có nhiều người mất sức, ngã bệnh. Tuy năm nay thiệt hại không nhiều nhưng giá trị tổn thất lại cao hơn năm 1999 vì đồ điện tử ngập nước, hư rất nhiều. Năm 1999 là trận lụt lịch sử của Huế và Quảng Trị, năm nay cũng đáng ghi vào sổ sách luôn”, ông đánh giá.
Lũ lụt miền Trung năm 2020 được xem được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam.
Đợt bão lũ lụt này bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07/10/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Thiên tai hay nhân tai?
Trước thảm họa sạc lở đất, ông Trần Quốc Thành, Giảm đốc sở KHCN Nghệ An đã cảnh báo “Thủy điện cóc” là nguyên nhân cho tình trạng này.
Báo Lao Động trích ý kiến của ông Thành, thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu đầu tư thủy điện “cóc” ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì lợi bất cập hại. Bởi đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở.
Về tác hại của loại dự án thủy điện “cóc”, ông Trần Quốc Thành đánh giá, việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính. Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du. Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ:
“Cả đêm đọc những mẫu tin kêu cứu và cả (ít oi) những tin nhắn trả lời là chưa cứu được, hãy chờ trời sáng… Không thể không nghĩ đến những ngôi nhà toàn bằng gỗ quí, cột kèo, ghế bàn, tủ kệ”.
“Lệnh đóng cửa rừng ban hành từ tháng 7-2016 mà không được thực thi? Vì sao? Vì sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vẫn cứ được ưa dùng và được tự nhiên bán buôn khắp các tỉnh, còn xuất khẩu tự do sang nước bạn (?). Và thủy điện vẫn cứ được cấp giấy phép. Rào Trăng là một cảnh báo quá bi thảm, đau thương liệu có đủ sức nặng để có biện pháp tức thì ngăn thảm họa? Thiên tai và nhân tai, thứ tai họa nào lớn hơn. Thảm họa kinh hoàng không chừa ai. Mà phá rừng, đắp đập, chỉ một số người ký, một số người làm và hưởng lợi”, bà đặt câu hỏi.
Nhà báo Trần Đăng chia sẻ rằn ông vẫn bắt gặp hình ảnh người dân của 20 năm trước:
“Vẫn những cụ già trong chiếc nón mê, áo tơi rách nát chìa bàn tay lạnh cóng ra nhận những gói mì tôm của đoàn cứu trợ; vẫn những tiếng kêu cứu lạc giọng vọng ra từ những căn nhà tồi tàn sắp chìm trong nước lụt; vẫn những cú trượt núi chôn vùi hàng chục sinh linh giữa đêm mưa gió; vẫn những lời kêu gọi giúp nhau trong hoạn nạn vang lên trên khắp các diễn đàn…”
Ông đặt câu hỏi vận mệnh của đất nước sau 20 năm:
“Người chết thì không hề ít hơn trận lụt từ 20 năm trước; người khổ thì vẫn không giảm hơn sau những lần nhà chìm trong lũ dữ … tất cả vẫn y nguyên như 20 năm trước. Hai mươi năm là quãng thời gian đủ để làm thay đổi số phận một đời người, số phận của một quốc gia.”
“Ấy thế mà, nón mê và áo tơi rách nát vẫn đùm bọc đôi bàn tay gầy guộc chìa ra nhận lấy những gói mì tôm trong mưa gió bão bùng. Quá khứ luôn đặt ra những câu hỏi cho tương lai. Mà tương lai thì đang xếp hàng chờ đến lượt mình nhận quà trong nước lụt”, ông viết.