Nói đến động đất, sóng thần chắc chắn không thể bỏ qua Nhật Bản, nơi phải hứng chịu rất nhiều trận động đất kinh hoàng, như thảm hoạ kép hồi năm 2011 khiến gần 16,000 người thiệt mạng. Những trận động đất khoảng 4-5 độ richter thì diễn ra đều như cơm bữa. Tuy nhiên, thực tế là trong số những trận động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên, số lượng thương vong đã giảm đáng kể so với trong quá khứ nhờ những giải pháp ứng phó hiệu quả.
Kỹ năng chống chọi với thảm họa thiên nhiên rất được đề cao tại Nhật, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Trẻ em nước này ngay từ nhỏ đã thường xuyên được tham gia các buổi diễn tập và học kĩ năng cách ứng phó . Và điều đó lý giải vì sao người dân Nhật Bản là tấm gương trong việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Các em học sinh tại Trường tiểu học Ikebukurohoncho ở Tokyo đang tham gia vào một tiết học mô phỏng động đất và những kĩ năng ứng phó với thảm họa.
Khi động đất xảy ra, những đứa trẻ được dạy việc đầu tiên là phải giữ bình tĩnh, tỉnh táo, sau đó chui xuống gầm bàn, hoặc các không gian có vật để che chắn. Tiếp theo, giữ im lặng và đợi hiệu lệnh di tản, trong lúc bắt đầu di chuyển phải tìm mũ, áo phao hoặc nồi cơm điện để bảo vệ đầu, tránh xa những nơi có kính và chạy tập trung ra khu vực đất rộng rãi như sân trường, công viên… Trong trường hợp không có chỉ dẫn của người lớn, các em vẫn phải tuân thủ trật tự và thoát ra theo quy trình được học, không khóc lóc, không chen lấn.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, có tới tới 10% lượng núi lửa đang hoạt động trên thế giới, Nhật Bản không hề có vị trí địa lý đẹp cho sự phát triển. Tài nguyên thiên nhiên hạn hẹn, khan hiếm song lại “dồi dào” thảm họa thiên nhiên. Gần như bất cứ lúc nào, người dân cũng phải đối mặt với nguy cơ sóng thần, động đất xảy ra. Thế nhưng, chính đây lại là quốc gia có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo nhất. Nhật Bản coi việc giáo dục về thiên tai, bản năng sinh tồn là điều cốt lõi đầu tiên của những đứa trẻ khi bước vào đời.
Chơi mà học, học mà chơi, người Nhật lồng ghép nhiều bài học sinh tồn dưới dạng hình ảnh minh họa vào các hoạt động ngoại khóa cho trẻ. Khi mà bài học trở thành niềm vui, những đứa trẻ sẽ tự động tiếp thu các kiến thức đó cho riêng mình. Mọi nội dung huấn luyện đều được hướng tới mục tiêu để các em không chỉ bảo vệ được bản thân mà còn là lực lượng hỗ trợ giúp đỡ những người khác và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng khi xảy ra thảm họa. Sự thật đã ghi nhận sau khi những thảm họa tự nhiên xảy ra ở Nhật, các em bé bước giữa đống đổ nát mà không hề khóc lóc hay tỏ ra sợ hãi để tìm đường về nhà.
Sau mỗi thảm họa thiên tai, các trường học Nhật Bản lại đẩy mạnh một lần nữa kỹ năng đối phó với thảm họa và cách bảo vệ bản thân. Với người dân xứ sở này, thảm họa là điều không thể né tránh và họ phải học cách sống chung với nó. Vậy nên, giáo dục đầu đời, đặc biệt ở mọi cấp học, bộ môn này luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngay cả các bậc cha mẹ người Nhật cũng ý thức việc xây dựng một nền tảng giáo dục gia đình coi trọng sự an toàn tuyệt đối với mỗi đứa con của mình.
Nước Nhật trong tương lai sẽ vẫn còn phải chịu rất nhiều trận động đất khác nữa. Nhưng với hệ thống giáo dục và lòng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong những tình huống khó khăn, có lẽ sẽ chẳng thiên tai nào làm khó dân tộc quật cường này./.